KIMONO- QUỐC PHỤC NHẬT BẢN
TRANG PHỤC TRUYỀN THỐNG NHẬT BẢN: KIMONO
Mỗi dân tộc, mỗi quốc gia đều có quốc phục đặc trưng cho đất nước mình. Người Việt Nam luôn tự hào với chiếc áo dài vừa kín đáo, vừa tôn lên được những nét đẹp của người phụ nữ, người phụ nữ Trung Quốc trở nên đằm thắm, kiêu sa với sườn xám, người phụ nữ Ấn Độ cục kì quyến rũ trong bộ trang phục Sari nửa kín nửa hở và người phụ nữ Nhật Bản lại trở nên thẹn thùng, e ấp trong chính quốc phục Kimono của họ.
Kimono của Nhật Bản thực sự đã tạo nên một câu chuyện thú vị bởi kiểu dáng độc đáo, bởi cách mặc và làm nên một bộ Kimono khá cầu kỳ, và bởi ngay cả sự hiện diện đặc sắc trong những dịp nghi lễ của người Nhật.
Xưa kia, cả đàn ông và phụ nữ đều sử dụng Kimono như trang phục hàng ngày. Nhưng ngày nay, thường chỉ có phụ nữ Nhật mặc Kimono như nghi phục chính thức, còn hình ảnh người đàn ông Nhật Bản mặc Kimono thường chỉ thấy trong các đám cưới hoặc các dịp lễ theo kiểu truyền thống khác.
Lịch sử ra đời của Kimono:
Du nhập vào Nhật Bản vào khoảng đầu thế kỷ thứ 7, thời đại trị vì của vua Heian dưới dạng những bộ đồ lót bằng cotton, nhưng phải đến khi người Nhật đã chắt lọc được những tinh túy, sáng tạo nó thành một kiểu riêng , đẹp và cầu kỳ hơn rất nhiều thì Kimono mới chính thức được đón nhận và phát triển nhanh chóng trở thành trang phục truyền thống của người Nhật.
Thời kỳ đầu, chiếc áo Kimono với cánh tay áo xẻ và dài chạm tới đất, thân áo dài nhiều lớp màu sắc khác nhau được phối hợp một cách tinh tế thường xuất hiện trong các dịp nghi lễ long trọng của giới thượng lưu.
Cho đến thời kỳ Kamamura (1192-1333) và Muromachi (1338-1573) –thời kỳ của các võ sĩ đạo Nhật Bản, bộ lễ phục Kimono đã được các võ sĩ đạo đưa vào trở thành trang phục mặc thường ngày và Kimono đã trở nên phổ biến trong đời sống thường ngày của người dân Nhật Bản.
Vào thời Edo (1603-1868), cùng với sự ra đời của thắt lưng Obi, Kimono đã có một thay đổi lớn. Chiếc thắt lưng Obi không chỉ giúp tạo sự gọn gàng, mà còn có tác dụng trang trí, mang tính thẩm mỹ rất cao , tôn thêm dáng vẻ của bộ trang phục cũng như người mặc nó.
Để tạo thành một chiếc thắt lưng Obi cũng cầu kỳ không kém việc may một bộ Kimono. Và thắt lưng Obi đã trở thành một thứ không thể thiếu được của Kimono, cùng với các phụ kiện khác như dây “Koshi-himo”, dây “Date-jime”, dây “Obijime”, nơ bướm “Chocho” trâm cài đầu, guốc gỗ…
Cấu tạo của Kimono:
Kimono gồm có 4 mảnh chính : 2 mảnh làm nên thân áo, hai mảnh làm thành tay áo.Các mảnh nhỏ còn lại làm nên cổ áo và miếng lót hẹp.
Một bộ kimono bình thường được thiết kế theo một phong cách tự do, được nhuộm màu toàn bộ bề mặt hoặc dọc theo đường viền. Trước kia, người ta mặc Kimono nhiều lớp và nhiều màu sắc khác nhau, nhưng ngày nay người ta chỉ mặc đơn giản là một lớp áo Kimono phủ ngoài một lớp áo lót.
Cách mặc Kimono:
Cách mặc Kimono khá phức tạp và có những nguyên tắc riêng của nó. Khi mặc Kimono, người mặc quấn từ bên phải vào trước rồi mới đến bên trái, và chỉ quấn ngược lại khi đi dự tang lễ. Bên cạnh đó cũng có các sự khác biệt trong bộ Kimono theo tuổi tác, tầng lớp xã hội , và thậm chí theo từng mùa.
Sự đa dạng của Kimono:
Furisode: là loại áo để mặc trong những ngày lễ lớn, như khi đi dự đám cưới hay dự một buổi tiệc trà. Đặc biestj, Furisode chỉ dành cho những cô gái chưa có chồng. Một trong những đặc điểm của Furisode là ống tay rất dài và rộng , che kín cả đôi tay. Thời xưa, các cô gái thường vẫy vẫy ống tay áo để bày tỏ tình yêu với các chàng trai.
Rất nhiều cha mẹ mua Furisode cho con gái họ để kỉ niệm bước ngoặt trọng đại này. Furisode là một Kimono dùng để đi lễ, dành cho các cô gái còn độc thân. Furisode có màu sắc tươi sáng và thường làm bằng lụa chất lượng tốt. Trong xã hội của Nhật, mặc Furisode là một tuyên bố rõ ràng rằng đó là một cô gái độc thân đã sẵn sàng để kết hôn.
Một chiếc Furisode thường có giá là 3000 USD.
Yukata: Yukata được ưa chuộng bởi chất vải cotton nhẹ nhàng của nó. Vải đã được cách điệu đi từ mẫu vải có kẻ sọc ngang truyền thống. Chiếc thắt lưng cotton của Yukata cũng rất tiện dụng cho ngày thường và đồ mặc ban đêm.
Trong những ngày hội và ngày kỉ niệm sự kiện chung, Yukata thường được mặc với một chiếc thắt lưng rộng hơn, quấn quanh eo và gấp lại ở đoạn cuối. Thông thường hơn, Yukata được mặc với một thắt lưng Obi (thắt lưng thêu), đi cùng với một đôi xăng đan gỗ và một chiếc ví.
Hầu hết áo Yukata được làm từ vải cotton . Theo truyền thống xưa , áo Yukata thường chỉ có hai kiểu là trắng - xanh đen hoặc xanh đen- trắng, nhưng trong một vài năm trở lại đây áo yukata đã được thiết kế với nhiều màu sắc nổi bật hơn.
Houmongi:
Khi một người phụ nữ Nhật Bản kết hôn, cha mẹ thường mua cho con gái họ một chiếc Kimono khác, chiếc Houmongi. Houmongi sẽ thay thế vị trí của Furisode. Houmongi là Kimono đi lễ của những người phụ nữ đã có chồng.
Loại Kimono này thường được dùng trong khi đi tham dự một đám cưới hay tiệc trà nào đó. Khi đón tiếp một cuộc viếng thăm trang trọng, người phụ nữ sẽ mặc áo Homongi (áo Kimono dùnh để tiếp khách).
Tomesode:
Với những người phụ nữ đã kết hôn, họ sẽ không bao giờ được măc áo furisode, dù cho họ có li dị chồng đi chăng nữa. Thay vào đó, họ sẽ mặc áo Tomesode, một dạng áo Kimono với ống tay áo ngắn hơn .
Áo Tomesode thường có màu đen , hoặc là nhiều màu khác . Áo Tomesode đen thường được đính gia huy tượng trưng cho họ tộc , đây là dạng áo Kimono chỉ mặc vào các dịp lễ trang trọng (như là đám cưới hoặc đám tang của họ hàng).
Những áo Tomesode nhiều màu khác cũng có thể được mặc vào các dip lễ trang trọng trên (nhưng những chiếc áo này không được đính gia huy, vả lại, khi nhắc đến Tomesode thì đa số người Nhật đều cho rằng nó-phải-là-màu-đen).
Mofuku:
Chỉ được dùng để đi dự đám tang của họ hàng gần. Toàn bộ chiếc Kimono loại này có màu đen. Dù rằng Tomesode và Mofuku không đắt bằng một chiếc Furisode, nhưng giá mỗi chiếc Tomesode hay Mofuku là khoảng 8.000 USD.
Shiromaku:
Một cô gái Nhật làm đám cưới theo truyền thống thì sẽ mặc loại Kimono rực rỡ, tráng lệ nhất. Loại Kimono này được gọi là Shiromaku. Đa số mọi người chỉ thuê loại Kimono này bởi nó chỉ được sử dụng trong một ngày, tuy nhiên, giá cho thuê của một chiếc Shiromaku cũng lên tới 5.000 USD.
Nếu bạn để ý kĩ thì bạn có thể thấy ngay rằng chiếc Shiromaku rất dài, dài đến chạm đất. Những chiếc váy cưới trắng truyền thống của phương Tây thường có đuôi váy hay một tấm lụa rất dài, rủ dài ra sau. Còn Shiromaku thì không giống như vậy. Shiromaku dài và tỏa tròn ra.
Chính vì vậy, cô dâu phải có sự giúp đỡ của một người đi kèm theo thì mới có thể đi lại trong chiếc Kimono này. Màu trắng này tượng trưng cho sự tinh khiết của cô dâu cả về thể xác lẫn tinh thần.
Váy này cách tân nên không còn dài chấm đất nữa.
Tsumugi: Dành cho tầng lớp nông dân và thường dân
Tsukesage: Áo này được trang trí theo dạng hoa văn chạy dọc theo thân và lưng áo rồi gắp nhau ở đỉnh vai), áo này được mặc vào các buổi tiệc tùng trà đạo, cắm hoa và đám cưới của bạn bè.
Tất cả các yếu tố này đã góp phần tôn vinh giá trị bộ Kimono, và người Nhật Bản rất tự hào với quốc phục của mình. Ngày nay, trong công việc và cuộc sống thường ngày, người Nhật Bản mặc những bộ trang phục hiện đại, năng động. Nhưng cứ đến lễ tết và những dịp quan trọng, đặc biệt, bạn sẽ vẫn luôn thấy hình ảnh người Nhật trong những bộ Kimono truyền thống. Cha mẹ vẫn tặng áo Kimono cho con gái đến tuổi trưởng thành và khi đi lấy chồng. Và có những bộ Kimono đã được gìn giữ qua nhiều thế hệ giống như một vật gia bảo.
Leave a comment